An Giang đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn
Ảnh minh họa – Nguồn: Cổng thông tin điện tử An Giang
Mục tiêu kế hoạch là đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên, môi trường sinh thái nông thôn; đặc trưng văn hóa địa phương nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Xây dựng mô hình du lịch nông thôn mang tính đặc trưng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng và thân thiện với môi trường, mang đặc trưng văn hóa của địa phương, có thương hiệu và sức cạnh tranh, hướng đến đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá, phân hạng đạt chuẩn sản phẩm OCOP.
Tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng du lịch đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ du khách tại các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Hoàn thành công tác điều tra, khảo sát thực trạng phát triển du lịch nông thôn, xác định khu vực tiềm năng, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng tại một số địa phương, trên cơ sở đó đề xuất hỗ trợ đầu tư phát triển đồng bộ một số điểm đến, sản phẩm du lịch tiêu biểu tại khu vực nông thôn.
Để phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, từ đây đến năm 2025, tỉnh An Giang hướng đến phát triển sản phẩm, phục vụ du lịch khu vực nông thôn, chú trọng đến sản phẩm du lịch có chất lượng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao dựa vào lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của một số địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn; phát huy giá trị các không gian văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng gắn với hoạt động du lịch tại các địa phương; hỗ trợ bảo tồn và phát triển các loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao, ẩm thực, trang phục truyền thống tiêu biểu phục vụ du lịch và các làng nghề truyền thống, phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm, đặc sản truyền thống để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế.
Đầu tư phát triển xây dựng mô hình phát triển du lịch khu vực nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ tư vấn thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái, tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường; thực hiện cải tạo.
Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông tại các tuyến đường kết nối điểm tham quan, du lịch đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho khách du lịch và hài hòa với không gian, cảnh quan nông thôn; tăng cường công tác mời gọi đầu tư hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, ăn uống, giải khát, vệ sinh…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các địa điểm tham quan, du lịch; chuẩn hóa khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở đạt chuẩn, bố trí và xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm quà tặng, lưu niệm,… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch.
Tổ chức các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch nông thôn đặc biệt tập trung hoạt động liên kết phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn và các hoạt động mời gọi đầu tư xây dựng dự án, mô hình phát triển du lịch nông thôn trong khuôn khổ Bản thỏa thuận hợp tác về du lịch giữa tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp và Chương trình liên kết hợp tác về du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn dưới nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các sự kiện, lễ hội giới thiệu các điểm đến du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn; truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm.
Để tiến tới chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn, tỉnh sẽ xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống,… gắn với du lịch nông thôn; phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động du lịch khu vực nông thôn; tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch khu vực nông thôn; ứng dụng công nghệ thực tế ảo giới thiệu, quảng bá về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống,… gắn với du lịch nông thôn; thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, mã số mã vạch; ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh sản phẩm/dịch vụ nhằm xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa gắn với hoạt động du lịch./.
HY
Nguồn KH số 65/KH-UBND ngày 06/02/2023